Ngày hôm nay chúng ta sẽ tạm ngừng với series game indie, mà đến với 1 siêu phẩm của nhà LKA vừa cho ra mắt vào ngày 24 tháng 2 vừa rồi. Một tựa game đã phải trải qua rất nhiều sự kiểm duyệt gắt gao trên playstation. Tựa game có tên là Martha is dead!!!!
Bạn có bao giờ rơi vào tình trạng không phân biệt được mình đang tỉnh hay là đang mơ chưa? Những sự việc mà bạn trải qua nó hư hư thực thực, khiến bạn hoài nghi có phải do mình tưởng tượng ra để lắp vào những khoảng trống của ký ức?
Những điều đó sẽ có trong Martha is Dead, một tựa game phiêu lưu cùng nhân vật chính trong hành trình tìm hiểu về sự thật phía sau cái chết của cô em gái.
Tui khuyến cáo các bạn chơi game ( không phải doạ đấu nhá), sẽ có nhiều tình tiết khiến bạn mông lung giữa cái ám ảnh quá khứ và thực tại của nhân vật. Đại loại là nhiều khi bạn nghĩ bạn đang ở trong cơn ác mộng nhưng thật ra nó chính là thực tại và ngược lại.
Ngay cả khi trời “quang mây tạnh” tui vẫn thấy cái gì đó sai sai. Chơi game mà luôn trong trạng thái nghi ngờ, không phải do tui sợ bị hù đâu mà là sợ cái cảm giác không phân biệt được và phải sắp xếp mọi thứ trong tâm trí logic nhất có thể.
Rõ ràng với những ai từng chơi qua resident evil thì điều này thật sự không quá xa lạ với anh em, thế nhưng mà cách LKA khai thác tựa game này lại cực kì gây ám ảnh.
Đội ngũ phát triển lại cực kì tinh tế khi kết hợp giữa những yếu tố tâm linh gắn kết với những lịch sử kinh hoàng của thế chiến thứ 2. Nó mang lại một cảm giác vô cùng nặng nề cho người chơi, thế nên với những ai yêu thích game kinh dị thì Marthar is dead là một sự lựa chọn tuyệt vời.
Không chém gió thêm nữa chúng ta vào nội dung chính của video ngày hôm nay thôi!
Martha is dead đưa ta quay trở về với năm 1944, trong giai đoạn xung đột giữa Đức và lực lượng đồng minh ngày càng căng thẳng hơn
Mở đầu game chúng ta sẽ sẽ bắt đầu câu chuyện qua lời kể của một cô gái tên Giulia K sinh năm 1923. Cô là một cô gái trẻ có gương mặt với 2 vết rạch trên mép bên trái cho thấy côđã trải qua một cuộc đờiđầy biếncố. Cô kể lại câu chuyện về cuộc đời mình cho bạn, một trong số những người hiếm hoi đến thăm cô sau rất nhiều năm bị giam cầm tại đây.
Khi Giulia vừa tròn được 6 tuổi và được gửi đến sống cùng một bảo mẫu tại một ngôi làng yên bình thuộc vùng Florence nước Ý. Trong căn nhà nhỏ gần một hồ nước thơ mộng giữa vùng quê hẻo lánh, người bảo mẫu chăm sóc cô chu đáo và thường kể cho cô nghe truyền thuyết về một oan hồn của chính hồ nước này kể về tên là White Lady.
White Lady đã từng là một cô gái rất xinh đẹp nhưng bị 1 tấn bi kịch giáng xuống. Khi còn sống, cô gái này yêu một chàng trai trong làng. Một lần hẹn hò, chàng trai vì ghen tuông đã dìm chết cô gái ngay bờ hồ. Sau khi qua cơn tức giận, chàng trai đau khổ vì lỡ tay giết chết người yêu nên quay về làng tự thú. Dân làng mang anh ra xét xử rồi treo cổ anh lên chiếc cây ở giữa hồ nơi anh ta nhẫn tâm giết chết người tình của mình. Xác của cô gái không bao giờ được tìm thấy. Từ đó chưa giải được nỗi oan khuất, mỗi năm cô gái lại trồi lên và bắt một phụ nữ trẻ xuống hồ để giết chết. Sau này người ta gọi cô là White Lady.
Để có thể triệu hồi được cô ta, người dân sẽ phải thông qua một nghi lễ đen tối bằng các lá bài tarrot trên một hòn đảo trong hồ.
Câu chuyện này đã theo Giulia suốt tuổi thơ. Sau 3 năm ở cùng bảo mẫu cô trở về sống với gia đình rồi thời gian trôi đi tới năm 1944. Năm đó cô 21 tuổi cũng là những năm cuối của Thế Chiến 2. Cha cô vốn là một tướng quân của Phát Xít Đức, do tình hình chiến sự nên ông đưa cả nhà đi lánh về quê. Người bảo mẫu năm xưa nhượng lại ngôi nhà cho gia đình Giulia ở tạm còn bà ở lại biệt thự của họ trên thành phố để canh giữ tài sản.
Gia đình Giulia bao gồm bố là ông Erich, mẹ là bà Irene, Giulia và cô em gái song sinh Martha.
Martha và Giulia có vẻ ngoài y đúc như nhau, nhưng cả 2 khác nhau ở chỗ Martha thích đọc sách thì Guilia thì lại thích nhiếp ảnh.
Martha bị câm điếc từ nhỏ nên được bà Irene coi như con cưng. Khi sinh ra 2 chị em, bà bị tai biến hậu sản khiến mất hẳn khả năng sinh đẻ. Từ đó bà bị trầm cảm, phải liên tục uống thuốc Pervitin do bác sĩ kê đơn. Thực chất đây là thuốc an thần cực mạnh và có tên khác là methamphetamine (meth), thứ mà sau này thiên hạ chế thành ma túy đá.
Chính vì uống loại an thần này lâu dài nên bà Irene trở thành một người nghiêm khắc, rất nóng nảy và bạo lực. Bà đổ hết tội lỗi lên đầu Giulia, xem cô như cái gai trong mắt. Năm đó bà cũng quyết định cho cô bé đến ở với bảo mẫu 3 năm và Martha sẽ được Irene chăm sóc riêng.
Trái ngược với bà mẹ, ông bố Erich lại rất thương yêu cô. Ông đã dạy cô chụp ảnh và mua máy ảnh cho cô. Vào ngày 17/7/1944. Giulia đang chỉnh chiếc máy ảnh ở gần bờ hồ để chụp những bức ảnh thiên nhiên. Bỗng nhiên Giulia phát hiện có cái gì đó đang nổi trên mặt nước gần cầu tàu.
Cô dùng máy ảnh phóng đến gần thì bất chợt hoảng hốt nhận ra đó là một người đang bất động, cô vội vã lao thật nhanh nhảy xuống vớt người kia lên bờ. Sau khi kéo được nạn nhân lên, cô bàng hoàng nhận ra đó chính là Martha nhưng lại đang mặc một bộ váy của mình. Lúc này bất chợt xuất hiện 3 chiếc máy bay không quân bay ngang qua bầu trời báo hiệu một điều gì đó sắp xảy ra.
Giulia vừa shock vừa giữ trong đầu mình một suy nghĩ gì đó, nên đã bất giác gỡ lấy chiếc dây chuyền có mặt khắc tên Martha rồi đeo lên cổ mình. Cùng lúc đó bố mẹ cô từ trên nhà chạy xuống và đến ứng cứu. Mẹ cô gọi tên Martha khi thấy cô ngất xỉu.
Giulia bất ngờ vì nhận được tình yêu thương từ người mẹ trước giờ vốn lạnh nhạt với cô nhưng cũng sợ hãi khi cô hiện đang sống với cái tên Martha chứ không còn là Giulia nữa. Trong phút thiếu suy nghĩ cô gái giả vờ gật đầu trả lời thay vì giải thích. Đó cũng là một sai lầm nghiêm trọng mà dẫn đến những hậu quả về sau mà cô phải gánh chịu.
Tối hôm đó, mọi người đưa cô về hồi sức và nghỉ ngơi đồng thời đưa xác Martha về lo hậu sự. Nằm trong quan tài giờ đây là Martha nhưng lại mang danh tính và khai báo tử tên Giulia. Ngược lại giờ đây Giulia buộc phải giả vờ câm điếc vào vai Martha để nhận được sự yêu thương từ mẹ.
Họ hàng và người quen gần xa khi nhận được tin lần lượt đánh điện tín gửi lời chia buồn cùng với gia đình.
Buổi tối khi tiếng chuông vang lên, Giulia bỗng nghe thấy cuộc cãi vã của bố mẹ ngay bên quan tài của Martha. Trong khi mẹ cô hoàn toàn không quan tâm đến cái chết của “Giulia” mà chỉ quan tâm đến đứa con đang còn sống thì ông Erich lại rất cương quyết bảo vệ cô con gái bị lạnh nhạt dù là sau khi chết.
“ Bà đang nói cái quái gì vậy hả Irene, Giulia chết rồi, sao bà có thể nói những lời như thế”
Sự đau lòng thấu tâm can người cha kèm với những lời cay nghiệt của người mẹ Irene, đã khiến ông không giữ được bình tĩnh mà buông những lời to tiếng.
Trong giấc ngủ đêm đó, Giulia liên tục bị dằn vặt bởi cái chết của em gái, và cô cho rằng mình có lỗi trong đó và việc giả dạng em mình cũng giống như cắt lấy da mặt của em gái rồi đeo lên mặt mình làm mặt nạ vậy. Giulia trải qua những cơn ác mộng kinh hoàng, đặc điểm chung là cô phải chạy 1 mình ở trong rừng, đồng thời ghép nối các từ ngữ thành 1 câu thông qua việc chọn hướng đi trái hay là phải.
Sáng hôm sau, Giulia tỉnh lại trên giường của Martha, cô biết rằng mình sẽ phải đóng cái vai giả câm này trọn đời. Nếu lỡ lộ ra cô là đứa còn sống còn Martha cưng của mẹ là đứa nằm trong quan tài thì mẹ chắc chắn sẽ giết cô. Đi một vòng nhìn lại căn phòng ngủ của 2 chị em, Giulia nhận ra chiếc hộp đựng tư trang của Martha bị khóa còn chìa khóa thì không thể tìm thấy. Cô cũng hốt hoảng khi thấy tấm ảnh mình chụp cùng Lapo, người bạn từ thời bé cũng là người yêu bí mật. Nếu mẹ cô phát hiện ra đứa con gái mà bà ghét đi yêu đương với một gã trai trong làng thì chắc chắn sẽ lớn chuyện. Vì thế cô nhanh chóng giấu tấm ảnh đi.
Cô nhìn thấy một khung tranh trống và nhớ lại việc Martha muốn xin một bức ảnh của chị để gắn vào. Giulia cảm thấy cần phải thực hiện di nguyện này nên cô xuống nhà lẻn lấy máy ảnh và chụp chân dung của chính mình bằng bộ hẹn giờ. Sau đó cô vào phòng rửa ảnh của ông Erich để hoàn tất công đoạn cuối. Thật may là mọi người đều tất bật lo đám tang vì vậy nhà vắng người không ai biết.
Đến tối, Giulia nảy ra ý định tìm đến bờ hồ lấy lại những cuộn phim còn gắn trên máy ảnh đặt ở đó. Có thể chúng chụp được những manh mối của vụ việc giúp tìm ra thủ phạm. Giulia liền lấy trộm chìa khóa nhà rồi dùng đèn lò dò đi xuyên khu rừng nhỏ ra bờ hồ. Trên đường đi cô thấy một bóng trắng thấp thoáng sau các gốc cây như đang “theo” mình.
Giulia đến được bờ hồ và lấy các cuộn phim ra khỏi 3 chiếc máy ảnh mà mình đặt ở 3 góc bờ hồ hôm qua. Cô cũng tìm thấy dấu vết của một tấm vải màu đỏ bị rách. rơi ở lại ở gần bờ hồ. Trên đường trở về thì Giulia bị cái bóng trắng kia đuổi theo túm tay lại định kéo đi. Cô sợ quá vùng chạy rồi lạc vào một ảo cảnh gớm ghiếc, với cái hang đầy sọ người và một cánh cửa. Cửa này dẫn thẳng về phòng nơi đặt quan tài của Martha trong nhà. Trong khung cảnh thì Martha bắt đầu thối rữa còn Giulia bị treo cổ lủng lẳng trên trần nhà
Giulia choàng tỉnh nhận ra đó là buổi sáng hôm sau. Cô không biết mình đã trở về nhà bằng cách nào. Tuy nhiên khi nhìn xuống bụng thì cô gái thấy rất nhiều máu dây ra cả đệm ngủ. Cô hoảng hốt vì chưa đến kỳ thì máu này từ đâu ra. Giulia vừa hoang mang vừa bước vào nhà vệ sinh thay bộ đồ ngủ đã vấy bẩn. Cô bắt đầu xuống nhà và rửa những tấm ảnh từ các cuộn phim thu thập hôm qua.
Khi ở dưới nhà, cô nghe lén được điện thoại giữa mẹ và Don Attilio – vị cha xứ trong làng. Theo đó, mẹ cô cho rằng Lapo là thủ phạm gây ra cái chết cho con gái mình, anh ta hiện đang đi theo quân kháng chiến địa phương. Bà ta cũng nói rằng Lapo cũng đã làm chuyện gì đó trên mức tình bạn với Giulia. Vị cha xứ thì cho rằng bà bảo mẫu là kẻ đáng ngờ khi dạy cho Giulia bói bài Tarot, theo quan niệm tôn giáo thì đó là tà thuật.
Tấm ảnh trong cuộn phim được rửa ra chính là ảnh Giulia đưa Martha lên khỏi hồ. Từ đây, Giulia nghĩ ra một ý tưởng điên rồ là đi tìm gặp White Lady để hỏi xem ai là thủ phạm. Vì ở vùng hồ vắng vẻ đó dường như chỉ còn mỗi nhân vật này là nhân chứng khả dĩ nhất.
Giulia cũng thử chụp ảnh với phim hồng ngoại, đây là loại mà theo người ta đồn là có thể chụp được những thứ mắt người không thể nhìn thấy. Cô đã thử chụp một tấm nhưng khi rửa ảnh ra thì nó là một dòng chữ trên nền đen “anh ta, người đã trốn khỏi ánh sáng, nấp phía sau nó”.
Giulia bỏ qua sự việc khó hiểu này và bắt đầu đi ra phía hồ nước hy vọng tìm được dấu vết gì để liên lạc với White Lady. Dọc đường cô chứng kiến những người lính Đức được phái đến canh giữ và bảo vệ gia đình cô đang truy đuổi một người của quân kháng chiến. Khi lần theo họ thì có một tiếng nổ lớn, người lính kháng chiến lúc chạy đã đạp trúng mìn thiệt mạng.
Giulia rón rén đến lật cái xác không còn nguyên vẹn kia lên thì thấy đó chính là Lapo, người yêu của cô.
Một bài hát thê lươn được cất lên đó là bài hát dân gian của Ý có tên là Bella Ciao hay là good bye beautiful bằng tiếng anh. Bài hát có nguồn gốc từ thế kỉ thứ 19 nhưng thường được liên kết với các băng đản chống phát xít, chống lại sự cai trị của Benito Mussolini ở Ý, một phong trào mà Lapo thuộc về để rồi cuối cùng anh cũng chết vì nó.
Trong đau khổ, cô gái gỡ lấy chiếc băng đỏ trên tay anh đeo lên cổ. Từ trong người anh rơi ra một mảnh giấy, đó là bức thư của anh gửi cho Giulia. Mặc dù bố mẹ cô bị lừa vì hai chị em quá giống nhau nhưng Lapo thì lại có thể nhìn ra người còn sống chính là Giulia. Chưa kịp đọc hết bức thư thì một tiếng súng nổ, Giulia cảm thấy đau nhói và gục xuống. Trong cơn mê man cô nghe thấy đám lính Đức bắn cô vì thấy đeo băng đỏ nên tưởng là quân kháng chiến. Khi họ nhận ra cô là con gái của tướng quân thì lập tức bỏ chạy vì sợ mang họa.
Cơn mơ pha lẫn sự hối hận tiếp tục theo đuổi Giulia. Cô thấy mình gỡ tấm mặt nạ da người trả lại cho Martha giữa cơn mưa máu. Hai cái xác của 2 người thân mà cô yêu quý là Martha và Lapo được đặt ở cầu tàu trên hồ. White Lady từ dưới hồ trồi lên kéo xác Lapo đi mất.
Một lúc sau có một con rối mang hình thần chết tự sự về việc mình đi bắt hồn một cặp sinh đôi. Cặp song sinh biết rằng thần chết đến chỉ bắt một người là Giulia. Sau khi thảo luận, một người bước ra tự nhận mình là Giulia. Thần chết cho rằng người bước ra là Martha muốn đi thay chị nhưng hắn cũng xác nhận lại bằng cách hỏi họ chọn người hy sinh như thế nào. Cô gái nói họ tung mặt dây chuyền để chọn người hy sinh. Thần chết tin rằng người bước ra chính là Giulia vì theo số phận đó phải là cô ta.
Tuy nhiên sau khi bắt người đi rồi, thần chết xem xét kỹ lại mặt dây chuyền và nhận ra rằng cả 2 mặt đều khắc tên Martha. Dù biết mình bị lừa một vố đau nhưng hắn ta tỏ ra bình tĩnh và nói rằng dù sao đi nữa mọi thứ vẫn nằm trong tay của thần chết.
Giulia tỉnh lại trên chiếc giường quen thuộc vào buổi sáng hôm sau, cô nhận ra người mình đang băng bó và đau buốt. Nghe trộm cuộc trò chuyện giữa bố và bác sĩ, cô biết rằng viên đạn bắn thấu ngực nhưng may mắn không trúng tim hay bất kỳ bộ phận quan trọng nào nên mình đã sống sót một cách thần kỳ.
Nhớ lại bức thư chưa đọc xong, cô gái lo sợ nếu ai đó tìm được sẽ lộ hết bí mật. Giulia vội tìm lại chiếc túi tư trang mà cô mang theo khi bị bắn, thật may lá thư vẫn còn nguyên. Cuối thư Lapo để lại một số điện thoại và dặn rằng nếu chuyện gì xảy ra với anh, hãy gọi.
Đúng lúc này, bà bảo mẫu từ nhà trên thành phố gọi điện về. Giulia đành trả lời và kể lại sự thật những gì diễn ra. Người bảo mẫu liền hướng dẫn Giulia cách để gọi hồn White Lady bao gồm lấy một kỷ vật từ mộ của người yêu đã chết của cô ta. Dùng một nắm tóc của Giulia làm vật kết nối tâm linh vào sau đó chờ sáng sớm ra hòn đảo giữa hồ để trò chuyện gián tiếp bằng bài Tarot. Đó cũng là lần cuối cùng cô trò chuyện với bà bảo mẫu, tối hôm đó căn biệt thự trên thành phố trúng bom và bà đã thiệt mạng.
Như vậy là thần chết đã giáng xuống 1 tấn bi kịch cho cô khi lần lượt lấy mạng từng người thân một của Giulia, lúc này cô cần phải làm một việc tu7ỏng chừng như không thể là tìm gặp một hồn ma ở giữa hồ nước. Câu chuyện của Martha is Dead sẽ tiếp diễn ra sao? Hãy đón xem trong bài viết kế tiếp nhé!