MỘT SỐ GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN
QUY PHẠM PHÁP LUẬT (SỬA ĐỔI)
1.
Sự phản biện xã hội:
Theo tôi, vấn đề này cần phải được coi trọng và luật hóa hết sức chi tiết. Như tất chúng ta đều biết, một văn bản luật sẽ có tác động tích cực tới đời sống xã hội khi sự ra đời của nó là cần thiết, những nội dung của nó sát thực với thực tế đời sống, có tính khả thi cao và ngược lại, khi một văn bản quy phạm pháp luật không đáp ứng đầy đủ những điều kiện trên thì một là sẽ chết yểu hai là sẽ kìm hãm, cản trở sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội. Muốn biết được một văn bản quy phạm pháp luật có tính khả thi hay không và có mang lại lợi ích cho xã hội hay không thì không thể bỏ qua vai trò của sự phản biện xã hội. Phản biện xã hội sẽ chuyển tải được đầy đủ những ý kiến của các đối tượng sẽ bị tác động trực tiếp bởi văn bản quy phạm pháp luật của các nhà khoa học, các chuyên gia tâm huyết về sự bất cập, bất hợp lý hoặc những khiếm khuyết khác của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản là do các cơ quan nhà nước ban hành, bộ ngành nào quản lý về lĩnh vực gì thì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực đó nên đã và đang xảy ra tình trạng không quản lý được thì cấm hoặc hạn chế. Trong văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng rất nhiều những khoảng trống (khoảng trống chứ không phải khe hở) và khi có cá nhân/doanh nghiệp nào lỡ rơi vào khoảng trống đó là lập tức gặp rất nhiều rắc rối. Trong văn bản quy phạm pháp luật cũng chứa đựng rất nhiều những hàng rào kỹ thuật để khi cần thiết hàng rào kỹ thuật đó trở thành lợi thế cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Thêm vào đó, những người soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật rất thiếu những thông tin thực tế để có thể đưa ra những quy định phù hợp nên có nhiều điều khoản rất thiếu thực tế.
Chính vì những lý do này mà sự phản biện xã hội đối với một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là hết sức cần thiết. Do vậy cần phải quy định chi tiết, cụ thể vấn đề này vào trong Dự thảo.
Trong Dự thảo có một số điều khoản ví dụ như: Điều 4; Điểm c – K2 – Đ28; Điểm c/d – K1 – Đ29; Điều 31… Đây có thể hiểu là Dự thảo đã đề cập tới sự phản biện xã hội nhưng theo tôi chỉ bấy nhiêu thôi thì chưa đủ. Những quy định như vậy vẫn rất chung chung. Theo tôi, Dự thảo cần bổ sung thêm những quy định về quy trình, cơ chế thực hiện sự phản biện xã hội, nếu trong khuôn khổ Luật này không thực hiện được thì cần quy định rõ là Chính Phủ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về việc này.
Một vấn đề nữa là, Dự thảo quy định Cơ quan chủ trì soạn thảo và Ban soạn thảo Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Có một vấn đề chưa ổn ở quy định này, điều đó thể hiện ở chỗ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là sản phẩm, là đứa con tinh thần của Ban soạn thảo/Cơ quan chủ trị soạn thảo vì vậy rất khó để làm cho họ nhận thức được những thiếu sót, những khiếm khuyết trong sản phẩm của họ. Do đó, nên chăng, có một cơ quan/tổ chức khác độc lập với Ban soạn thảo/Cơ quan chủ trì soạn thảo làm công việc nghiên cứu, ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đó tổng hợp thành báo cáo để gửi tới cơ quan thẩm định hoặc gửi tới các Đoàn đại biểu Quốc hội. Như vậy thì ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có lẽ sẽ được nhìn nhận một cách đúng mức hơn và có ý nghĩa hơn.
VDụ: ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân; về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Công chứng.
2. Cần bổ sung thêm điều khoản về chế tài:
Dự thảo có 98 điều, quy định khá nhiều vấn đề về trình tự ban hành, về nội dung, về câu từ, về tính thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật tuy nhiên lại không có bất cứ một điều khoản nào để khuyến cáo, khuyến nghị các cơ quan / tổ chức / cá nhân về việc sẽ bị xử lý như thế nào hoặc sẽ phải gánh chịu trách nhiệm như thế nào nếu không tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ những quy định của Luật. Như vậy, khi cơ quan / tổ chức / cá nhân vi phạm nghiêm trọng những quy định này của Luật để cho ra đời những văn bản quy phạm pháp luật không có tính khả thi, chồng chéo, mâu thuẫn nhau hoặc làm kìm hãm/cản trở sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội thì sẽ không có căn cứ để xem xét trách nhiệm của các cơ quan / tổ chức / cá nhân. Do vậy, theo ý kiến của tôi nên có thêm điều khoản quy định về chế tài đối với cá nhân/cơ quan cố ý vi phạm luật này và gây thiệt hại cho xã hội.
3. Giải thích pháp luật:
Những điều khoản về giải thích pháp luật trong Dự thảo còn có một số vấn đề cần phải xem xét, cân nhắc thêm:
Thứ nhất, cần có một định nghĩa về giải thích văn bản quy phạm pháp luật là gì trong Dự thảo, tức là cần quy định rõ giải thích văn bản quy phạm pháp luật là gì.
Thứ hai, quy định chưa rõ ràng, cụ thể. Khoản 2 – Điều 83 có quy định: Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quyền đề nghị cơ quan, cá nhân ban hành văn bản quy phạm pháp luật giải thích văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, cá nhân đó ban hành. Khi đọc, ta không hiểu được là Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quyền đề nghị cơ quan, cá nhân nào giải thích văn bản quy phạm pháp luật. Phải chăng là Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quyền đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải thích những văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nếu hiểu theo nghĩa này thì lại mâu thuẫn với Khoản 2 – Điều 85 của Dự thảo là Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản dự thảo văn bản giải thích nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Người có quyền đề nghị được giải thích văn bản quy phạm pháp luật lại được giao nhiệm vụ soạn thảo dự thảo văn bản giải thích văn bản quy phạm pháp luật). Còn hiểu theo nghĩa đó kông đúng thì hiểu theo nghĩa nào? Và tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại vấn đề này.
Thứ ba, cần quy định một thời hạn hợp lý đối với việc giải thích văn bản quy phạm pháp luật. Khi cá nhân/doanh nghiệp nào đó đề nghị được giải thích pháp luật có nghĩa là họ đang gặp phải vướng mắc về hiểu và áp dụng pháp luật. Hiểu sai dẫn đến thực hiện sai đồng nghĩa với việc đã vi phạm pháp luật. Vì vậy phải quy định một thời hạn nào đó kể từ khi cá nhân/cơ quan có trách nhiệm giải thích văn bản quy phạm pháp luật nhận được đề nghị giải thích phải có văn bản trả lời để tránh tình trạng những cá nhân/cơ quan đó kéo dài thời gian và những người đề nghị được giải thích pháp luật khi nhận được văn bản trả lời thì sự đã rồi và khi đó thì họ gặp phải những hậu quả đáng tiếc. (VDụ trong lĩnh vực thuế).
Một vấn đề nữa là, chính các cơ quan soạn thảo ra văn bản quy phạm pháp luật lại là người giải thích pháp luật nên bao giờ họ cũng giải thích theo hướng có lợi cho mình, hoặc là giải thích để cho mình dễ quản lý. Nên chăng, cần bổ sung thêm quy định về việc người được giải thích văn bản quy phạm pháp luật nếu không đồng ý với văn bản giải thích có quyền khiếu nại hành chính.
Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2008
Phó Trưởng Văn phòng luật sư Đào và Đồng nghiệp
Luật sư Đào Nguyên Khải
Source: https://expgg.vn
Category: Thông tin